Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

10 bài học cuộc sống nhận ra khi đã quá muộn

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/143767/10-bai-hoc-cuoc-song-nhan-ra-khi-da-qua-muon.html

 - Hãy dành thời gian để biết bạn muốn gì và cần gì. Hãy dành thời gian để thử những việc mạo hiểm, dành thời gian để yêu, để cười, để khóc, để học hỏi và tha thứ. Cuộc sống ngắn hơn bạn nghĩ.
bài học cuộc sống, kỹ năng sống
Dưới đây là 10 điều bạn cần biết trước khi quá muộn:
1. Cuộc sống của bạn không phải từ lúc bạn sinh ra cho tới khi bạn qua đời. Cuộc sống của bạn chính là ngay lúc bạn đang thở cho tới hơi thở tiếp theo. Hiện tại – ngay ở đây và ngay lúc này – chính là cuộc sống của bạn. Vì thế, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bằng sự tử tế và bình an, đừng sợ hãi hay hối tiếc.
2. Cuộc đời rất ngắn ngủi. Đây là cuộc sống của bạn và bạn phải đấu tranh vì nó. Hãy đấu tranh vì những điều đúng đắn. Đấu tranh vì điều mà bạn tin tưởng. Đấu tranh vì những thứ quan trọng với bạn. Đấu tranh vì những người bạn yêu thương và đừng bao giờ quên nói với họ rằng họ có ý nghĩa nhiều như thế nào với bạn. Ngay bây giờ hãy hiểu rằng bạn may mắn khi vẫn còn cơ hội. Vì thế, hãy dừng lại một chút và suy nghĩ. Bất cứ điều gì bạn cần phải làm thì hãy làm ngay trong ngày hôm nay.
3. Những hi sinh của ngày hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai. Khi nói đến chuyện làm việc chăm chỉ để đạt được một ước muốn nào đó như: tốt nghiệp đại học, gây dựng sự nghiệp hay đạt được một thành tựu nào đó đòi hỏi thời gian và sự quyết tâm, tôi muốn hỏi bạn một điều: “Bạn có sẵn sàng sống một cuộc đời khác với mọi người hay không?”
4. Khi bạn trì hoãn, bạn sẽ trở thành nô lệ của ngày hôm qua. Nhưng khi bạn chủ động, ngày hôm qua sẽ là một người bạn tốt làm động lực thúc đẩy bạn. Vì thế hãy làm điều gì đó ngay từ bây giờ để tương lai phải cảm ơn bạn.
5. Thất bại là bài học mà bạn nhận được. Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết hi vọng ngay cả khi họ đã làm người khác thất vọng, với những ai vẫn có niềm tin ngay cả khi họ đã nếm mùi thất bại, với những ai vẫn biết yêu thương ngay cả khi bị tổn thương. Vì thế, đừng bao giờ nuối tiếc về những điều đã xảy ra trong cuộc đời bạn. Chúng ta không thể thay đổi, không thể làm lại hay quên nó. Hãy biến chúng thành những bài học và sống tiếp bằng lòng biết ơn.
6. Bạn là người quan trọng nhất với chính mình. Hạnh phúc là khi bạn cảm thấy hài lòng với bạn thân mà không cần sự đồng tình từ ai đó. Bạn phải đối xử tốt với chính bản thân mình trước khi muốn có mối quan hệ tốt với những người khác. Bạn phải tự thấy bản thân mình có giá trị thì mới có thể tự tin trong mắt người khác.
7. Hành động của một người nói lên sự thật. Trong cuộc đời mình, bạn sẽ gặp nhiều người. Họ có thể nói những lời tốt đẹp nhưng cuối cùng chỉ có hành động của họ mới nói lên họ là ai. Vì thế hãy chú ý tới những gì mà người ta làm. Hành động của họ sẽ nói với bạn mọi thứ bạn cần biết.
8. Những hành động tử tế dù rất nhỏ nhoi cũng sẽ làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Hãy mỉm cười với những người mà bạn cảm thấy họ đã có một ngày căng thẳng. Hãy tử tế với họ. Tử tế là sự đầu tư duy nhất không bao giờ vô ích. Bất cứ nơi nào có con người thì đều có cơ hội cho sự tử tế. Hãy học cách cho đi ngay cả khi đó chỉ là một nụ cười. Cho đi không phải vì bạn có quá nhiều, mà vì bạn biết rằng có quá nhiều người cảm thấy họ dường như không có gì cả.
9. Phía sau một cuộc đời tươi đẹp là không ít những đau khổ. Bạn là con người nên không thể hoàn hảo. Dù bị tổn thương nhưng bạn vẫn sống sót. Hãy nghĩ về một đặc ân quý giá là bạn vẫn được sống, được thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được theo đuổi những gì bạn yêu thích. Đôi khi có những nỗi buồn trên đường đời nhưng vẫn còn rất nhiều niềm vui. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước ngay cả khi chúng ta đang tổn thương, vì chúng ta không bao giờ biết điều gì đang đợi chờ mình.
10. Thời gian và trải nghiệm sẽ làm lành những nỗi đau. Cách đây vài năm, khi tôi hỏi bà tôi về việc vượt qua nỗi đau, bà đã giải thích với tôi rằng: Hãy nhìn vào những vòng tròn bên dưới. Những vòng tròn màu đen đại diện cho kinh nghiệm sống của chúng ta. Vòng tròn của bà lớn hơn vì bà nhiều tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm sống hơn cháu. Những vòng tròn đỏ, nhỏ hơn đại diện cho những chuyện buồn trong cuộc sống của chúng ta.
bài học cuộc sống, kỹ năng sống
Giả sử cả hai bà cháu ta đều trải qua những câu chuyện buồn giống nhau trong cuộc đời thì những vòng tròn đỏ của chúng ta sẽ có kích thước bằng nhau. Cháu hãy chú ý đến tỷ lệ kích thước của vòng tròn đỏ so với vòng tròn đen. Vòng tròn đỏ của cháu sẽ có kích thước khá lớn so với vòng tròn đen, trong khi vòng tròn đỏ của bà rất nhỏ so với vòng tròn đen vì kinh nghiệm sống của bà nhiều hơn.
Tôi không muốn giảm bớt tầm quan trọng của chuyện này. Đơn giản là tôi có một cái nhìn khác. Bạn cần hiểu rằng một chuyện buồn trong cuộc sống dù có đau đớn đến mức nào rồi đến một ngày nó sẽ chỉ là một phần rất nhỏ bé so với cả quá khứ của bạn và nó cũng không nghiêm trọng đến mức như bạn nghĩ bây giờ.
  • Nguyễn Thảo(Theo marcandangel)

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Xin đừng lan truyền clip nữa, hãy để T. yên nghỉ!

Xin đừng lan truyền clip nữa, hãy để T. yên nghỉ!

22/06/2015 12:02 GMT+7
TTO - Xấu hổ, uất ức trước việc bị tung clip nhạy cảm lên mạng, nữ sinh N.T.A.T. (16 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Ròng rã 3 ngày cứu con
Chúng tôi đến nhà em N.T.A.T khi ba mẹ và anh hai của em đang làm lễ cúng cho em.  Ngoài trời mưa như trút nước. Bà con, hàng xóm ngồi trước hiên nhà ai nấy đều im lặng, nhìn nhau không nói câu nào.
Ba mẹ của Phạm Tấn Lộc (21 tuổi) - người đang bị Công an huyện Cẩm Mỹ tạm giữ để điều tra về hành vi tung clip sex giữa Lộc và T. cũng có mặt tại đám tang.
Ông Phạm Tấn Lai - ba của Lộc, vừa đau nỗi đau của người làm cha không dạy được con vừa mang cảm giác tội lỗi khi chính con trai mình đã gây ra quá nhiều đau khổ, tủi nhục cho gia đình hàng xóm.
Thắp nén nhang cho đứa con gái xấu số mà nước mắt mẹ của A.T. cứ tuôn trào. Mãi đến khi ngồi xuống trò chuyện cùng chúng tôi, bà mới bật khóc, nghẹn ngào: “Làm sao tôi chịu được nỗi đau này khi con tôi ra đi đột ngột như vậy”.
Có lẽ 3 ngày vừa qua là khoảng thời gian kinh khủng nhất trong cuộc đời bà khi hi vọng cứu sống con gái mình cứ lóe lên rồi chợt tắt.
Bà nấc nghẹn: “Tôi bồng con chạy đôn chạy đáo từ Bệnh viện Suối Cát (Đồng Nai) đến Bệnh viện Long Khánh rồi qua Bệnh viện Biên Hòa. Các bác sĩ đều lắc đầu, trả về. Nhưng suốt thời gian chuyển viện, thấy con còn tỉnh và thở sâu nên tôi lại tiếp tục đưa con lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Không được tôi lại ngược về Bệnh viện Đắk Nông. Ròng rã 3 ngày trời mà không cứu được con”.
T. là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Anh trai T. vốn đã ít nói nay càng lầm lũi, cứ lọ mọ phụ ba mẹ chu toàn đám tang cho em. Còn em gái của T. vừa lên 3 tuổi, miệng vừa ăn bánh vừa hỏi mẹ: “Sao chị ba ngủ chưa dậy vậy mẹ?”. Nghe câu hỏi ngây ngô của đứa nhỏ, ai nấy cũng không khỏi xót xa.
Ấn tượng mà T. để lại trong lòng mọi người là hình ảnh đứa con gái chăm chỉ, luôn thay mẹ bán tạp hóa mỗi khi tan học về. Suốt 9 năm liền T. đều là học sinh khá - giỏi. Nhắc đến chuyện học của con, mẹ của T. lại khóc bởi trước khi nhắm mắt, bà nắm tay hỏi con muốn gì thì T. chỉ nói: “Con muốn được đi học”.
Xin mọi người đừng lan truyền clip nữa
Mẹ của T. chia sẻ T. vừa học xong lớp 9, chuẩn bị bước vào cấp ba. Gia đình muốn em tập trung vào việc học nên thường xuyên nhắc nhở, khuyên bảo con đừng vội chuyện tình cảm. T. nghe lời, chủ động chia tay Lộc.
Nhưng đến trưa 17-6, Lộc lại đến nhà tìm T. rồi xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, Lộc bỏ về. Nghĩ rằng chuyện chẳng có gì, nào ngờ hơn 6g tối, biết tin Lộc tung clip “tình cảm” của 2 đứa lên mạng, T. như bị dồn vào bước đường cùng nên uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Suốt 3 ngày chạy chữa, biết mình không qua khỏi, T. có nói mẹ cho mượn điện thoại để ghi âm lại mấy lời. Trong đoạn ghi âm, T. nói đứt quãng: “Con xin lỗi ba mẹ. Vì Lộc mà con phải chết. Khi con chết, xin ba hãy chôn con đằng sau nhà. Con muốn ở gần gia đình”.
Cha của T. ngậm ngùi: “Con tôi đã đi rồi, cũng chẳng thể nào sống lại được. Mọi chuyện đâu còn có đó, chỉ biết cầu mong cho con sớm an nghỉ. Chuyện thằng Lộc, đã có luật pháp giải quyết. Dù sao cũng chỗ hàng xóm láng giềng, cách nhau chỉ một cây cầu, dằn vặt nhau cũng không giải quyết được gì”.
Bỏ qua những ánh mắt hờn trách, dị nghị, ba mẹ Lộc vẫn tới nhà T. để phụ lo cho đám tang của T. 
Ông Lai  trầm tư: “Bình thường thằng Lộc ở nhà rất ngoan, không biết ra ngoài đường học bạn học bè thế nào mà gây nên chuyện tày trời như vậy. Sự đã rồi, tôi không biết nói gì cả, chỉ trách bản thân mình không nuôi dạy con đến nơi đến chốn”.        
Người hàng xóm của gia đình T. chia sẻ: “Cháu T. đã đi rồi nhưng những hình ảnh đáng tiếc của cháu vẫn còn trên mạng. Tôi cũng có con gái, chỉ mong mọi người đừng lan truyền clip đó nữa. Hãy để T. được an nghỉ và cho ba mẹ em - những người ở lại được thanh thản”.
TRẦN KIM ANH - VĂN TIÊN

Báo chí giật gân đi ngược lại đạo đức nghề báo

Báo chí giật gân đi ngược lại đạo đức nghề báo

09/11/2013 17:23 GMT+7
TTO - Trước thực trạng nhiều trang tin, báo mạng đưa tin giật gân, “câu view”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững - trưởng khoa báo chí Học viện Báo chí và tuyên truyền - phân tích nguyên nhân sâu xa của tình trạng này và cho rằng việc giật gân, soi mói của báo chí đi ngược lại đạo đức nghề báo.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Ảnh: Nguyễn KhánhPhóng to
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Ảnh: Nguyễn Khánh
VN đã có báo “lá cải”
Có ý kiến cho rằng VN chưa có báo “lá cải”, và có cũng bình thường bởi các nước đều vậy. Báo nào cũng có đối tượng độc giả riêng?
Phải nói thẳng VN đã có báo lá cải, có thông tin “lá cải”, vấn đề có thừa nhận không, và không thừa nhận, theo tôi, là chối bỏ thực tế. Đáng buồn là báo chí, suy cho cùng, cũng sống bằng sự đóng góp của người dân, xã hội, nhưng nhiều tờ báo không lo gì cho dân cả, chỉ vì lợi ích bản thân, làm báo chỉ cốt “câu view”, kiếm quảng cáo, kiếm tiền…
Báo chí châu Á nhiều nước không có tình trạng như thế. Như Nhật Bản, nếu liên quan đến người của công chúng, họ có thể khai thác, nhưng có ranh giới rõ ràng giữa quyền của báo chí và khả năng xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người.
Ví dụ việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân, tôi thấy có báo soi mói, lục bới với văn hóa rất thấp, có thể gây bất hạnh những người vô tội, người đọc cũng rùng mình và như tra tấn công chúng. Phóng viên đến “soi” chuyện vợ con người ta, theo tôi là không được. Ai đó phạm tội, nhưng vợ con người ta, nếu không có tội, không nên vơ vào. Nó có thể ảnh hưởng đến tương lai trẻ em.
Hay vụ chặt đầu người yêu, có báo điện tử treo hình ảnh xác chết của vụ này lên ngay sát tên báo cả tháng trời. Họ có thể nói chúng tôi đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, đưa thông tin đầy đủ, hay nói thông tin mình không phải “lá cải”… Nhưng đến tận nhà, khai thác nỗi đau tột cùng của người mẹ, có đúng không? Hỏi theo hướng moi móc thông tin, khoét sâu nỗi đau, nỗi bất hạnh của người trong cuộc, báo chí có nhân văn không?
Đã có trường hợp do báo chí nêu mà có người phải tự tử. Báo chí phải giúp xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải bới móc, soi mói để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận nhỏ người đọc.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng báo chí ngày càng chạy theo xu hướng câu view?
Có báo “lá cải”, theo tôi, bởi nhiều lý do. Trong đó, có lý do bản thân tờ báo đó thiếu văn hóa nghề và thừa tính không chuyên nghiệp, không có khả năng được bạn đọc lựa chọn nếu làm báo nghiêm túc. Họ đã xin được cho tờ báo ra đời thì phải tìm mọi cách để “sống”, vơ bèo vạt tép.
Ngoài ra, theo tôi, có lý do cơ quan quản lý “quản” chưa chặt, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tôn chỉ mục đích và nguyên tắc tính nhân văn của báo chí. Chúng ta có giám sát, thẩm định thông tin, nhưng thẩm định không xuể, và có thể đã biết, nhưng chưa xử lý, mới nhắc nhở là chính.
Nền báo chí VN nhìn bề ngoài thì rất “oách”. Chúng ta hiện có tới 852 cơ quan báo chí, khoảng 1.500 sản phẩm báo. Báo chí VN, theo tôi, đang có xu hướng ngược báo chí thế giới. Báo thế giới trong quá trình định vị lại vai trò trong cạnh tranh, nhiều báo in phải giải tán. Nhưng VN đầu báo thì lại tăng lên, năm nào cũng tăng. Đây không phải đáng mừng, mà đáng lo. Bởi nhiều báo ra không phải vì đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, mà tiêu vào tiền thuế của dân, hoặc có mục đích đi “bon chen”, “xin xỏ” để sống. Và khi đã ra rồi, họ phải tìm mọi cách để tồn tại… Đây là nguyên nhân sâu xa.
* Thông tin giật gân dần trở nên bình thường, và nhiều người làm báo không còn thấy đó là “lá cải” nữa. Đây có phải là nguy cơ?
- Tôi cho đó là nguy cơ. Công chúng nào báo chí ấy. Nhiều cái xấu diễn ra nhiều ở VN nhưng không được chấn chỉnh, khiến người ta dần quen, như chuyện cướp hoa, cướp thức ăn ở nhà hàng khuyến mãi, chen lấn, chửi bậy, đánh nhau… Thông tin giật gân dần thành quen. Nhưng báo chí lại có vai trò giáo dục và định hướng xã hội, nên báo chí nếu không chấn chỉnh, không loại trừ sẽ có trách nhiệm với sự lan tỏa hành vi tiêu cực, vi phạm đạo đức xã hội…
Cần siết lại quản lý
* Báo “lá cải” ở VN vẫn có người đọc, vậy cơ chế quản lý nên như thế nào?
- Không phải tất cả mọi nhu cầu đều cần phải đáp ứng. Theo tôi, VN có 852 cơ quan báo chí là quá nhiều. Thông tin trùng lặp, nhiều báo không tự sống được, chứng tỏ người đọc ít, hiệu quả xã hội thấp. Thậm chí nhiều báo là “đồ trang sức” cho một số cơ quan.
Nền báo chí VN đang cần tái cơ cấu. Hiện tại, theo tôi trước hết, cần rà soát lại tôn chỉ, mục đích các tờ báo, trang báo mạng, báo nào theo xu hướng giật gân, câu khách nên đóng cửa. Trung Quốc năm 2003 đóng một lúc gần 700 tờ báo.
Quá nhiều tờ báo, trong đó rất nhiều tờ “không sống được” bằng phát hành đang ảnh hưởng đến hình ảnh của báo chí VN. Báo nào cần phải bao cấp thì phải bao cấp đàng hoàng, còn lại phải siết về kinh tế, bản quyền. Cũng nên hạn chế cấp mới giấy phép báo chí. Tạo nền báo chí chuyên nghiệp, có tính văn hóa cao và phản biện tốt sẽ có lợi cho dân.
* Chỉ có thể có môi trường báo chí lành mạnh nếu có biện pháp quản lý hiệu quả?
- Tại giảng đường đại học, chúng tôi đã có học phần về pháp luật và đạo đức báo chí, nêu chuẩn mực, cách ứng xử... Nhưng các em ra ngoài, phải xin việc, có việc phải đáp ứng yêu cầu cơ quan báo chí. Nên theo tôi, nền báo chí thế nào, quan trọng nhất là quản lý. Nếu cơ quan nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, giật gân câu khách, vi phạm chuẩn mực xã hội thì phải bị xử lý nghiêm. Tờ nào như thế chúng ta đều biết, vấn đề là ứng xử thế nào thôi…
Những nhà báo, theo tôi, trước tiên phải là nhà văn hóa. Người làm báo giống người đi chợ, trong tình hình an toàn thực phẩm rất nhiều thứ độc hại thì phải biết lựa chọn “món ăn” cho mình, cho công chúng. Nếu có báo chí “lá cải”, cần xem lại cơ quan chủ quản có “lá cải” không. Đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc. Chính không nghiêm túc đã tạo nên xu hướng báo chí “lá cải”. Cần cảnh báo xu hướng “chạy” sinh ra tờ báo với mục đích kinh tế, “kiếm ăn” là chính - PGS.TS Nguyễn Văn Dững.

“Mổ xẻ” đạo đức, trách nhiệm nhà báo

DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT

“Mổ xẻ” đạo đức, trách nhiệm nhà báo

14/06/2015 10:11 GMT+7
TT - Trong các cuộc bàn luận nghề nghiệp dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) năm nay, những người làm báo hết sức trăn trở về đạo đức và trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại số.
                        
 
Nghe đọc bài: “Mổ xẻ” đạo đức trách nhiệm nhà báo
Các phóng viên văn hóa nghệ thuật phỏng vấn anh em nhà Luu Triplets (Canada) - Ảnh: T.T.D.
Các phóng viên văn hóa nghệ thuật phỏng vấn anh em nhà Luu Triplets (Canada) - Ảnh: T.T.D.
Ca sĩ Hồng Hạnh:
Thông tin văn hóa, giải trí dễ dãi
Tôi đã làm việc trong làng giải trí gần 30 năm và chưa bao giờ tôi thấy thông tin văn hóa, giải trí lại dễ dãi, thiếu chiều sâu như bây giờ. Không chỉ thông tin giải trí mà các lĩnh vực khác cũng bị nhiễu khá nhiều.
Ngày tôi mới vào nghề, báo rất ít, kiểm duyệt rất gắt gao mà mong mỏi của bạn đọc thì rất nhiều. Ngày nay, mong mỏi của bạn đọc không hề giảm, thậm chí yêu cầu còn cao hơn với cái gọi là “đa phương tiện”.
Báo mạng, mạng xã hội ra đời xem ra đã làm tốt cái gọi là “đa phương tiện” đó hơn là báo chí truyền thống. Đã vậy, họ còn đưa tin nhanh nhạy hơn, chẻ thông tin, đề tài nhiều hơn, cập nhật thường xuyên hơn, bàn tán bình luận sôi nổi hơn làm thỏa tính tò mò của người đọc. Vì vậy, thật khó cưỡng lại báo mạng hay mạng xã hội dù người đọc cũng thừa biết có không ít thông tin võ đoán, một chiều, thậm chí 
bịa đặt, xuyên tạc.
Ca sĩ Hồng Hạnh - Ảnh: T.T.D.
Ca sĩ Hồng Hạnh - Ảnh: T.T.D.
Thú thật, đọc những thông tin nhanh vội, vô thưởng vô phạt, suốt ngày “chân ngắn chân dài” hoặc có khi là bóp méo sự thật trên những trang tin đó riết rồi cũng chán, ngán ngẩm nhưng đôi khi người đọc vẫn phải theo dõi để còn có cái mà... “tám” với bạn bè.
Trước kiểu truyền thông mới đó, một nghệ sĩ như tôi tự cảm thấy mình lỗi thời. Khi có chương trình, sản phẩm âm nhạc mới, tôi bối rối không biết phải giới thiệu ra công chúng như thế nào. Chúng tôi cơ bản chỉ muốn giới thiệu thành quả lao động của mình, nhưng khi gặp gỡ thì mỗi báo lại khai thác theo một kiểu khác nhau. Có báo đưa tin về sản phẩm cũng như nỗ lực làm việc của chúng tôi, nhưng cũng có báo toàn hỏi chuyện đời tư, khơi gợi những câu chuyện gây “chia rẽ nội bộ” hoặc chụp hình chúng tôi để đưa vào các mục mà chúng tôi không hề mong muốn.
Cá nhân tôi rất ngại khi thông tin hay thông điệp mình muốn đưa ra lại bị bẻ theo một hướng khác, giật gân hơn. Không chỉ nghệ sĩ, cuộc sống riêng tư của ai cũng cần được bảo vệ. Khi báo đưa tin về một cặp đôi trục trặc chẳng hạn, có thể bạn thỏa sự tò mò của người đọc, nhưng đôi khi vì bản tin đó, mâu thuẫn của cặp đôi đó sẽ mạnh mẽ hơn, đánh mất cơ hội hàn gắn của họ.
Chúng ta không thể cấm báo mạng hay mạng xã hội vì cái gì cũng có hai mặt. Nhiều người lợi dụng Facebook, quyền tự do ngôn luận để viết bậy nhưng Facebook cũng là nơi mang đến bao cơ hội tốt đẹp. Nghệ sĩ chúng tôi rất thường dùng Facebook để chia sẻ về các chuyến biểu diễn hay rủ nhau tham gia các chương trình từ thiện, xã hội. Một số khác lại dùng Facebook để dạy học, hướng nghiệp, làm phòng mạch online... với những mục đích tốt đẹp khác.
Vậy nên tôi chỉ mong Nhà nước hãy tìm hiểu sâu xa, ngăn chặn kịp thời những trang tin xấu và cha mẹ trong mỗi gia đình hãy dành thời gian nhiều hơn cho con trẻ, giúp chúng biết cách chọn lọc, chia sẻ thông tin và biết tự bảo vệ mình trong thời đại mới.
TS Bùi Chí Trung (khoa báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn 
Hà Nội):
TS Bùi Chí Trung - Ảnh: Minh Quang
TS Bùi Chí Trung - Ảnh: Minh Quang
Báo chí thể hiện 
sự biến đổi xã hội
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, mối quan hệ giữa tốc độ thông tin và trách nhiệm, lương tâm của nhà báo tiếp tục được đặt ra bởi có nhiều mâu thuẫn đang dần lộ rõ. Ở thời điểm hiện nay, sự phát triển của Internet và các phương tiện kết nối tác động quá mạnh mẽ đến các loại hình, thay đổi toàn bộ và tạo ra một thế hệ những người làm báo thời Internet. Họ làm báo nhanh hơn, có kỹ năng khai thác thông tin đa dạng hơn... Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh sự cạnh tranh thông tin gay gắt. Điều này dẫn đến một số biến tướng của báo chí và người làm báo, nổi lên 
bốn vấn đề cơ bản.
Thứ nhất là xuất hiện xu hướng nhà báo lấy thông tin bằng mọi giá. Thứ hai là xu hướng đưa thông tin chà đạp cả lên danh phận, sinh mạng chính trị một con người. Thứ ba là thương mại hóa báo chí ngày càng thể hiện rõ vì sức ép kinh tế buộc các cơ quan báo chí, nhà báo phải câu view, thậm chí làm tất cả để đáp ứng vấn đề kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến từng bài viết mà còn có thể ảnh hưởng đến cả chiến lược chung của từng cơ quan báo chí. Thứ tư là báo chí ngày càng phản ánh từng ngõ ngách của cuộc sống, trở thành tấm gương phản chiếu của xã hội. Do đó, chỉ nhìn báo chí thể hiện như thế nào có thể thấy xã hội đang biến đổi theo cách đó.
Chính vì vậy, vai trò nhà báo trong thời đại kỷ nguyên số càng lớn, vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo càng được đặt lên hàng đầu. Nếu chỉ chạy theo tin tức mà quên đi trách nhiệm xã hội, định hướng dư luận và không quan tâm đến những nhân vật trong tác phẩm của mình thì nhà báo đã đánh mất đạo đức cá nhân của mình.
Theo tôi, nhà báo phải quay lại giá trị truyền thống, giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với cuộc sống, với con người trong kỷ nguyên số. Mỗi nhà báo, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, được đào tạo cho đến khi đi làm phải biết trau dồi kiến thức và tu dưỡng đạo đức của mình, có định hướng rõ ràng để đảm bảo mỗi tác phẩm của mình luôn đúng, nhanh, hay và nhân văn.
* Ông Lê Duy Truyền (phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam):
Ông Lê Duy Truyền - Ảnh: M.Quang
Ông Lê Duy Truyền - Ảnh: M.Quang
Thông tin phải 
cân bằng
Không phải báo chí VN mới có quy định về đạo đức và trách nhiệm xã hội mà báo chí thế giới cũng vậy. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, nhà báo nói riêng và các cá nhân trên mạng xã hội nói chung, theo tôi, là người đưa thông tin đều phải có đạo đức, trách nhiệm với xã hội. Nếu không, chỉ một thông tin đưa ra thiếu trách nhiệm, vô đạo đức có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng cho một cá nhân, cộng đồng, thậm chí cho cả một đất nước. Mạng xã hội có thể tạo nên những bùng nổ mà thực chất vấn đề không đáng như thế.
Vừa qua, còn rất nhiều thông tin cho thấy một số nhà báo chưa có cái tâm trong sáng. Khi tôi còn làm tổng biên tập báo Tin Tức đã có nhiều vụ như thế, đã phải bỏ đi nhiều bài có dấu hiệu của việc ăn tiền doanh nghiệp. Tôi đã phải đưa ra một quy định mà chính tôi đã học được ở một lớp học nước ngoài, đó là sự cân bằng. Và khi một bài báo có vấn đề, có người này tố cáo người khác thì phải để cả hai người cùng lên tiếng để giảm bất công cho họ. Đó mới là vấn đề đạo đức trong sáng.
Đạo đức báo chí và trách nhiệm xã hội của người làm báo thời đại nào cũng được đặt lên hàng đầu. Đối với bối cảnh nước ta hiện nay, vấn đề này càng nóng vì gần đây báo chí có lúc này lúc kia, có những nhà báo cái tâm còn chưa sáng, thành ra uy tín của báo chí có phần giảm sút trong công chúng khiến người ta không biết tin vào đâu. Và khi người ta không biết tin vào đâu thì đó là cơ hội cho những người làm báo chân chính, những người chuyên viết sự thật, phản ánh công minh, có định hướng.
Ở hoàn cảnh này những tờ báo lớn có cơ hội thông tin, truyền tải tin tức vì họ sẽ có những độc giả, khán giả, thính giả tìm đến tờ báo có thông tin thật hơn cả, cơ hội đó sẽ đem lại kinh tế khi bán được báo, thu hút được quảng cáo. Khi doanh thu của báo lớn lên lại có những nguồn lực để bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, tái đầu tư vào báo chí. Đó chính là những hiệu quả lâu dài mang lại khi đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của nhà báo được coi trọng.
* Nhà báo Trần Đăng Tuấn:
Nhà báo Trần Đăng Tuấn - Ảnh tư liệu
Nhà báo Trần Đăng Tuấn - Ảnh tư liệu
Tôi không có 
thiện cảm với 
báo chí vì tiền
Tôi chẳng thấy về đạo đức, nhà báo hiện nay so với trước kia phải có những phẩm chất (ở đây là phẩm chất đạo đức) gì mới hơn, khác hơn. Vẫn là những phẩm chất như đòi hỏi từ trước đến nay thôi. Nếu có sự “hỗn loạn” nào đó thì chắc chắn không phải thiếu phẩm chất đạo đức mới, mà là do xa rời các chuẩn mực đạo đức báo chí ta vẫn biết là cần có.
Tôi nghĩ cuối cùng vẫn nên quay lại điều này: khác với trước kia, báo chí giờ đây không chỉ, không đơn thuần là một loại hình “công tác”, mà còn là một dịch vụ xã hội đem lại tiền. Ở đâu nền tảng đạo đức báo chí tốt, tiền thu được sẽ tạo điều kiện để chất lượng sản phẩm báo chí càng tốt lên. Ở đâu nền tảng không tốt hoặc bị thoái hóa, tiền dễ thành nguyên do của những cách làm báo thiếu nhân văn. Vì vậy, tôi ủng hộ việc báo chí thu được tiền, càng nhiều càng tốt. Nhưng tôi không có thiện 
cảm với báo chí vì tiền.
Tôi nghĩ dùng Facebook là để giao tiếp, nói lên ý kiến của mình, nghe ý người khác và thảo luận để hiểu rõ hơn điều mình quan tâm. Có một bộ phận người dùng Facebook nghĩ rằng ý kiến của mình nói lên kèm theo ngôn ngữ chợ búa mới có sức nặng. Có những người chỉ đợi ai có ý kiến khác thì lao vào rủa xả hay 
áp đặt, chụp mũ.
Tôi cho rằng nếu ở ngoài đời mà hành xử như thế thì mọi người thấy khá kỳ cục, và bản thân người đó cũng tự thấy ngượng với bản thân. Nhưng dường như trên mạng họ cảm thấy thoải mái hơn, vì cho rằng đây là ảo, không phải thực, nên tự cho phép mình cư xử kiểu đó. Có lẽ cũng với ý nghĩ trên mạng là ảo nên có cả những người dùng mạng nhằm bôi xấu và châm chọc đời tư người khác, như chuyện báo chí vừa đưa 
tin mấy hôm nay.
Tôi nghĩ chắc bao giờ cũng có số ít những người kỳ cục như vậy. Và tôi nhất trí với việc hãy xử theo pháp luật để người ta hiểu là làm điều xấu với người khác trên mạng hay ngoài đời thì đều là xấu và sẽ bị trừng phạt như nhau.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh:
Ông Lê Quốc Vinh - Ảnh tư liệu
Ông Lê Quốc Vinh - Ảnh tư liệu
Đi tìm nguyên nhân của suy thoái đạo đức trong báo chí
Khi chúng tôi đang ráo riết chuẩn bị cho Giải thưởng âm nhạc Cống hiến, một vài nhà sản xuất âm nhạc gọi điện tỏ ra quan ngại vì được tin một nhà báo đang vận động bỏ phiếu cho “gà nhà” của anh ta. Mặc dù trấn an mọi người rằng Giải thưởng âm nhạc Cống hiến là giải thưởng uy tín và do các nhà báo bỏ phiếu trung thực, thâm tâm tôi tin rằng lời tố cáo đó không phải là không có cơ sở. Và trường hợp này không phải là hiếm.
Trong lĩnh vực giải trí, nhiều nhà báo nhận lời làm PR cho các ngôi sao. Nhiệm vụ của họ là nhờ bạn bè, đồng nghiệp lăngxê các ngôi sao mới nổi, hoặc truyền thông cho các sự kiện ra mắt album hoặc chương trình mới. Sẽ không có gì là nghiêm trọng nếu các nhà báo đó chỉ thuần túy lấn sân PR một chút, hỗ trợ cho bạn bè ruột một chút. Nhưng họ có thể lạm dụng vị trí của mình để viết những bài không trung thực, vượt quá sự thật hoặc tệ hơn là nói xấu đối thủ cạnh tranh.
Đạo đức và lợi ích kinh tế
Câu chuyện tương tự chuyển sang lĩnh vực kinh tế, thì vấn đề không chỉ còn đơn giản là lợi ích của vài nhân vật giải trí mà là những hợp đồng bạc tỉ, những lợi ích kinh doanh khổng lồ, hoặc là số phận của cả một doanh nghiệp. Trong giới truyền thông lan truyền danh tính của những nhóm có tổ chức, gồm một vài nhà báo, phóng viên cùng viết một lĩnh vực tập hợp nhau lại để cùng “đánh” hoặc cùng “cứu” cho các doanh nghiệp. Mà chủ yếu “đánh” là chính, vì chỉ khi bị đánh doanh nghiệp mới ý thức đầy đủ quyền lực của họ và đương nhiên phải ứng xử phù hợp để được “xử lý khủng hoảng”.
Thời tôi viết báo, phóng viên nghèo lắm. Còn bây giờ, chẳng hiếm các bạn nhà báo có xế hộp, có tài khoản nhiều tỉ trong ngân hàng. Có những nhà báo được doanh nghiệp nuôi dưỡng với mục đích chăm sóc cho hình ảnh của họ trên chính các tờ báo, chương trình truyền hình mà họ phụ trách.
Đó là những nhóm nhà báo riêng lẻ, nhưng cũng có những tờ báo mạng chủ trương lập hẳn bộ phận “xử lý khủng hoảng”, trực tiếp đề xuất với doanh nghiệp mua quảng cáo để đổi lại việc gỡ bỏ tin tức xấu trên chính tờ báo đó. Việc một vài cơ quan báo chí bị xử phạt thời gian gần đây, thậm chí có nhà báo bị bắt hoặc bị cơ quan công an thẩm vấn không nằm ngoài các vụ việc tương tự bị phát giác.
Tuy nhiên, phải nói rằng từ khi các báo và trang tin điện tử nở rộ như nấm sau mưa, cuộc chiến gạo tiền nằm ở số lượng người xem, thì một thứ báo chí khác đã ra đời. Đó là loại báo chí “câu view”, thì vấn đề đạo đức của báo chí trở nên nổi cộm hơn bao giờ hết. Tất cả hoạt động của tòa soạn, biên tập, phóng viên đều phục vụ cho mục đích gia tăng lượng độc giả, bất kể thủ đoạn nào. Từ rút tít giật gân đến moi móc chuyện lá cải, đời tư. Từ chọn chủ đề nóng đến "đánh hội đồng" doanh nghiệp. Rất nhiều bài báo hùa theo mạng xã hội, đăng tải thông tin không kiểm chứng. Nhiều doanh nghiệp đã phải hứng đủ hậu quả, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản trước khi họ được minh oan.
Trong khi đó, rất nhiều câu chuyện của doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng thì lại không được báo chí ủng hộ, chỉ vì chúng không mang lại lợi ích kinh tế cho cơ quan báo chí.
Nguyên nhân?
Thứ nhất, sự suy thoái về kinh tế của báo chí truyền thống (báo in, truyền hình) đang gây sức ép nặng nề về nguồn thu. Trong khi đó, báo chí điện tử, dù phát triển mạnh nhưng cũng chưa mang lại nguồn doanh thu quảng cáo đáng kể. Hầu hết các cơ quan báo chí đều phải mưu tính các giải pháp phát triển kinh doanh, và chấp nhận tạo ra các điều kiện kiếm tiền không trong sáng.
Nhiều cơ quan báo chí có chính sách khuyến khích phóng viên tham gia vào hoạt động kinh doanh, bán quảng cáo, thậm chí còn đặt mức khoán cho phóng viên bán quảng cáo hoặc phát hành. Các phóng viên, nhà báo đồng thời kiêm nhiệm người bán hàng sẽ không còn giữ được sự trong sáng, khách quan trong các đề tài mà họ theo đuổi.
Thứ hai, thu nhập của phóng viên vốn dĩ không cao. Ngoại trừ một vài tờ báo lớn, phần lớn các cơ quan báo chí chưa thể trả lương cố định cho nhà báo đủ cao để họ không phải quan tâm đến các nguồn thu khác. Trong khi đó, doanh nghiệp sẵn sàng tìm cách quan hệ với các nhà báo để có các bài viết có lợi mà không phải trả chi phí quảng cáo, từ đó tha hóa một bộ phận báo chí. Doanh nghiệp và nhiều người làm PR theo cách mua chuộc báo chí đang phải gánh chịu hậu quả của chính họ gây ra.
Thứ ba, một bộ phận lớn phóng viên, nhà báo được đào tạo về nghề, nhưng lại không trải qua những trường đời về đạo đức. Họ có thể viết tốt, nhưng lại thiếu cái tâm để lựa chọn vấn đề hữu ích, phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Ngược lại, họ sẵn sàng lựa chọn con đường “đánh đấm”, làm khó cho doanh nghiệp hoặc những người nổi tiếng, thậm chí vùi dập các doanh nghiệp.
Thứ tư, không loại trừ một số lượng lớn các nhà báo, phóng viên yếu cả về nghiệp vụ báo chí. Vì thế, họ thiếu khả năng nhìn nhận vấn đề khách quan, điều tra đến ngọn nguồn của vấn đề, nên dễ sa vào phiến diện, một chiều. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, pháp lý... là những lĩnh vực đòi hỏi khả năng chuyên môn khá cao.
Kỷ niệm 90 năm báo chí cách mạng, chúng ta đang chứng kiến sự lớn mạnh của lực lượng báo chí, nhưng cũng nhìn thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các xu hướng làm báo và các nhóm lợi ích khác nhau trong báo chí. Khi mà ai cũng có thể làm báo, và ai cũng có thể tự cho mình cái quyền phán xét nhân danh báo chí thì bốn vấn đề trên cần phải nhanh chóng giải quyết triệt để, và một bộ tiêu chuẩn đạo đức báo chí lại càng cần phải đặt ra và tuân thủ.
* Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh (VTV3):
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh - Ảnh tư liệu
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh - Ảnh tư liệu
Nhiều lần tôi sốc và buồn
Có những ngày tôi không đọc gì, có những ngày tôi cố để mình không vào Facebook, không lên báo mạng. Những ngày đó tôi gọi tên là “ăn kiêng” tinh thần. Tôi cũng làm báo, tôi yêu nghề và tôi nghĩ cũng nhiều nhà báo tự hào với nghề của mình nhưng để làm được thế, chắc chắn đều phải “ăn kiêng” tinh thần thường xuyên.
Thỉnh thoảng đọc đâu đó viết “bọn nhà báo”, “bọn truyền hình”... tôi thấy vừa buồn cười, vừa kỳ lạ. Sao ai cũng cho mình quyền phán xét phỉ nhổ, như mỗi sáng chúng ta không nhìn vào gương và tự hỏi mình có ích cho ai. Ừ thì đừng nặng nề với cuộc đời thế, sống đôi khi cũng như một quán tính thôi, nhưng sao không là một quán tính tốt đẹp mà là một quán tính hung hăng đầy khát máu?
Bạn có thể không đồng ý, bởi đồng ý sao được khi ta đột nhiên giật mình, đột nhiên cảm thấy như mình bị ám chỉ, đột nhiên thấy hình như có ai đó chỉ ra phần xấu xí mà mình ít nhiều đều có. Ừ, ai chẳng có phần xấu xí, chỉ có điều có muốn kiểm soát nó hay không mà thôi.
Tôi nhiều lần sốc, nhiều lần thấy buồn khi đọc những bài báo mà nội dung là sự xào xáo, vùi dập hoặc tung hô một cách nông cạn. Thật ra tôi thấy buồn hơn khi đọc những comment ở dưới, những status vô trách nhiệm trên Facebook, những sự gào thét tung hô hay phỉ nhổ chà đạp trên bàn phím - đôi khi chỉ cho những việc nhỏ, đôi khi cho những việc ta không hề biết và cho những đối tượng ta chưa hẳn căm ghét.
Làm báo tệ, có lúc do kém nghề, đôi khi do chọn lựa. Chọn lựa sai dẫn đến hành vi xấu. Cái xấu ấy là sự xấu có ý thức, vì miếng ăn vì cái mặc vì chút danh. Xấu thế thì có thể hiểu vì có nguyên nhân. Có những sự xấu khác nằm ở những comment, như một sự ghét bỏ vô thức, có một sự hằn học bản năng, có một khoái cảm kỳ lạ khi ta đi mà kẻ khác trượt chân ngã. Có một điều cũng kỳ lạ nữa là hầu hết tác giả của những comment đó đều trẻ. Họ trẻ, chưa có dấu tích khắc nghiệt của thời gian in dấu lên cuộc đời. Vậy điều gì khiến họ thành ra thế?! Điều gì khiến họ ác tự nhiên như một bản năng?
Đọc một bài báo nói về điều tốt đẹp, lướt xuống các comment, thể nào cũng nhặt ra không ít những comment đầy tính nghi ngờ. Cứ quan sát như vậy mới thấy thật ra trong sự tưởng như không liên quan giữa báo chí và đám đông đang hung hăng tự nhiên, ác bản năng ấy là một sự liên quan được xác lập không lời!
* Đạo diễn Lê Hoàng:
Đạo diễn Lê Hoàng
Đạo diễn Lê Hoàng
Không ít nhà báo làm “xã hội đen” trong giới nghệ sĩ
Đối với báo chí (tôi không phân biệt là báo chí truyền thống hay báo mạng, trang mạng, mạng xã hội), nghệ sĩ hiện nay luôn có hai thái độ: đề phòng và lợi dụng. Sự đề phòng là khá cao vì bất cứ chuyện gì của nghệ sĩ, báo chí cũng có khả năng thọc vào và gây hại cho họ.
Trước đây, nghệ sĩ phải có sản phẩm, phải làm được một bộ phim, một vở kịch, một album nhạc... thì báo chí mới quan tâm. Còn bây giờ thì khác, có khi hai ba năm trời không có sản phẩm nghệ thuật nào vẫn được báo chí săn đón. Nghệ sĩ ăn gì, mặc gì, yêu ai, bỏ ai... cũng được “lên báo”. Báo chí không phải cảnh sát, cũng không phải công cụ khủng bố nhưng vẫn khiến người ta rất sợ hãi, đề phòng cao độ.
Thấy được sự nhanh nhạy của báo chí ngày nay, nhiều nghệ sĩ đã biết dựa vào đó để lợi dụng, lăngxê tên tuổi cho bản thân. Ngày xưa, tư tưởng này tuyệt đối không có. Điều đáng nói là để có thể lợi dụng được báo chí, nghệ sĩ cũng phải có được sự giúp sức, bảo kê từ các nhà báo. Sao lại có chuyện nhà báo cũng là bầu sô, quản lý cho nghệ sĩ?
Ấy vậy mà có, có rất nhiều nữa là khác, công khai, không hề giấu giếm, cũng không ai cấm, ai nói. Những người này đã tạo nên một thế lực như “xã hội đen”, cùng với công cụ sẵn có và các mối quan hệ của mình gây nhiễu loạn thông tin không ít khiến các nghệ sĩ chân chính, tử tế thấy nản. Vì vậy, sự tin tưởng, yêu mến dành cho báo chí cũng ngày một ít.
MINH QUANG - CÁT KHUÊ - QUỲNH NGUYỄN ghi